Cây hoa Tuy líp

QUY TRÌNH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HOA TULIP

  1. Đặc điểm sinh thái của hoa Tulip

1.1. Nhiệt độ: Tulip là cây chịu rét khá, chịu nóng kém, ưa khí hậu mát ẩm, nhiệt độ thích hợp ban ngày là 16-20oC, ban đêm là 10oC -15oC. Dưới 10oC và trên 25oC cây sinh trưởng kém, hoa dễ bị mù.

1.2. Ánh sáng: Tulip yêu cầu cường độ ánh sáng ở mức trung bình đến yếu. Trong điều kiện trồng vào những ngày nắng, cần che bớt ánh sáng, nêu trời dâm mát thì không cần che ánh sáng, chỉ cần che mưa, sương muối.

1.3. Độ ẩm: Đất quá khô hoặc quá ẩm đều ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát dục của Tulip. Thời kỳ đầu cây cần nhiều nước (tương đương độ ẩm đất 75-80%), thời kỳ ra hoa cây cần ít nước hơn (độ ẩm đất 65-70%). Độ ẩm đất trung bình 70-75%, độ ẩm không khí 80-85% là thích hợp với cây Tulip. Tulip không trồng trực tiếp vào đất mà trồng trên giá thể, tốt nhất là giá thể mùn cưa, trấu hun, phân chuồng khô hoai, phân vi sinh, đất phù sa, thoát nước tốt, pH từ 5,5-6,5, EC 1,5.

  1. Kỹ thuật trồng, chăm sóc

2.1. Thời vụ trồng

Thời điểm trồng từ khoảng 25/11 – 5/12 âm lịch, tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống và tình hình thực tế của hàng năm. Ở các vùng khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, Sa Pa có thể trồng quanh năm, còn ở Mộc Châu chỉ nên trồng chủ yếu để thu vào dịp tết Nguyên Đán.

2.2. Chuẩn bị đất, giá thể, chậu trồng

Vụn xơ dừa, trấn hun, phân chuồng mục, đất sa được trộn theo tỉ lệ 1:1:1:1 sau đó xử lý nấm bệnh bằng biện pháp xông hoá chất trước khi trồng 2 – 3 tuần. Chậu để trồng cây có thể sử dụng các loại chậu trồng bằng nhựa cứng, nhựa mềm hoặc chậu sứ, có đường kính 7 – 10 cm hoặc 18 – 20cm trồng từ 1 – 3 cây/chậu.

2.3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

2.3.1. Kỹ thuật vào chậu

Chọn chậu trồng Tulip bằng sành hoặc sứ có đường kính 18-20cm. 1 chậu trồng 3 củ. Cho giá thể vào 2/3 chậu, đặt củ tulip vàp đó, sau đó lấp tiếp giá thể cho đến khi ngập củ. đặt chậu theo luống cho bằng phẳng, mỗi luống 6 hàng chậu xếp trong nhà lưới

2.3.2. Kỹ thuật tưới nước

Khoảng 1 tuần sau trồng chú ý giữ đất luôn ẩm tránh để củ khô, giúp rễ củ hút nước và dinh dưỡng tốt. Sau đó, lượng nước tưới giảm dần. Thường xuyên giữ đủ ẩm cho cây, không nên tưới ẩm quá hoặc khô quá.

2.3.3. Kỹ thuật bón phân thúc    

 – Lượng phân bón: cho 1 sào 1000 chậu:

+ Phân Lân:         7 kg Supe lân

+ Phân Kali:        5 kg Kali Nitrat

+ Phân Đạm:        4 kg Ca(NO3)2

+ Antonic              1 hộp(10 gói)

– Cách bón: Trong 1 tuần đầu sau trồng, không cần bón phân. Sau khi mầm Tulip cao 10-12cm thì tiến hành bón phân thúc, cứ 7-10 ngày bón 1 lần, hòa loãng phân ở nồng độ 0,5% để tưới. Sử dụng Antonic phun 10 ngày một lần để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón kích thích lá to dày lá. Đối với Tulip nên bón các loại phân vi lượng có chứa Ca,Mg, Mn…

Ngoài ra, muốn nâng cao chất lượng hoa cần phun một số phân bón lá như: Komix, Antonix, đầu trâu..…

  1. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

3.1. Sâu hại: Tulip rất ít bị sâu hại, một số loại sâu hại chính là:

* Rệp: chủ yếu là rệp xanh đen, rệp bông.

– Triệu chứng: Thường làm cho cây còi cọc, ngọn quăn queo, nụ bị thui, hoa không nở được hoặc dị dạng, thường gây hại nặng ở những năm độ ẩm cao.

– Phòng trừ: Sử dụng Karate 2,5 EC liều lượng 10 – 15 ml/bình 10lít, Ofatox 400EC hoặc Supracide 40ND liều lượng 10 – 15 ml/bình 10 lít, Actara 25WG liều lượng 25-30g/ha…

* Sâu đục rễ, củ:

– Triệu chứng: Sâu ký sinh mặt ngoài rễ, củ, hút dịch rễ, ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây, làm lá vàng, nghiêm trọng hơn là làm cho cây chết khô, tác hại chủ yếu vào lúc cây đang sinh trưởng và thời kỳ cất trữ củ.

– Phòng trừ: Không bón quá nhiều phân đạm; Dùng thuốc phòng trừ: Basudin rắc vào đất 1kg/ 1m3 giá thể

3.2. Bệnh hại

* Bệnh thối gốc, rễ:

– Triệu chứng: Gốc cây bị mềm, thối, có màu xanh tối, màu tro đen, rồi lan lên phía trên, lá bị vàng, nếu bệnh nặng, thân bị cong queo, dòn, gãy

– Phòng trừ: Khử trùng, tiêu độc đất; dùng thuốc sát khuẩn phun vào giá thể trước khi trồng; giữ cho đất thoát nước tốt, không được để đất ẩm ướt lâu; che nắng để giảm nhiệt độ đất và giữ ẩm.

* Bệnh mốc tro:

– Triệu chứng: Bệnh hại lá, nụ, hoa. Trên lá thường thấy các đốm tròn, bầu dục, to nhỏ không đều, màu nâu trong suốt, trời ẩm ướt sẽ lan rộng ra thành những vòng. Bệnh nặng làm mất hoàn toàn giá trị của hoa

– Phòng trừ : Không tưới đẫm nước, không tưới lên lá và để nước đọng ở rãnh; Dùng thuốc phun phòng : Funguran 50 WP, champion 75WP, liều lượng 15-20 g / bình 10 lít, phun 2 bình cho 1.000 chậu.