Cây hoa loa kèn

QUY TRÌNH TRỒNG HOA LOA KÈN

  1. Giới thiệu hoa loa kèn

Hoa loa kèn hay còn gọi là Huệ Tây là tên gọi chung cho các loài hoa thuộc họ Liliaceae (cũng có sách ghi là họ Hành Tỏi). Tuy nhiên phần lớn các hoa thuộc họ này có một đặc điểm chung là hoa loe ra nhìn như cái kèn, nên được gọi là hoa Loa Kèn – tên đặt theo hình dáng bông hoa. Hoa loa kèn du nhập vào nước ta cùng với hoa phăng (hoa cẩm chướng)… Huệ tây được trồng đầu tiên tại Ðà Lạt, vì nơi đây có khí hậu ôn đới rất phù hợp với đặc tính của loa kèn, sau đó phát triển dần sang các tỉnh khác. Hoa loa kèn có màu trắng pha thêm chút xanh và mùi hương thơm dịu. Một cành hoa thường có từ 1 đến 3 hoa. Lá hoa dày màu xanh hơi vàng, thân hoa là củ nằm dưới đất cành lá ở phần trên mặt đất. Cành hoa tương đối cứng nên ít bị đổ gãy. Hoa loa kèn nở vào dịp cuối xuân đầu hạ tức là vào khoảng tháng tư và chỉ nở rộ trong nửa tháng. Vì vậy, vào giữa tháng tư, ở đâu ta cũng gặp hoa loa kèn tràn ngập khắp phố phường, sau đó thì lại trở lên quý hiếm.

  1. Thời vụ trồng

Hoa loa kèn được trồng chủ yếu vào tháng 9, 10 và đến tận tháng 4 năm sau mới cho thu hoạch. Nếu được chăm sóc tốt, đủ chất dinh dưỡng thì một củ giống cho tới 15-17 hoa nếu không nó chỉ cho từ 1-2 hoa. Để trồng cây hoa loa kèn đúng kỹ thuật phải cẩn thận từ khâu chọn và làm đất.

  1. Chuẩn bị đất trồng

Đất phải có thành phần cơ giới nhẹ. Đất thích hợp là đất xốp, nhiều mùn, độ ẩm vừa phải, thoát nước nhanh nhưng phải giữ ẩm tốt. Đất thịt, đất nghèo dinh dưỡng pha sét hay cát pha nhiều không thích hợp cho sinh trưởng phát triển. Đất trồng hoa phải tránh nắng, tránh xa nơi có lò gạch, gần nhà máy có khói than.

Đất trồng hoa phải được cày bừa, đập vỡ khoảng 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 5-7 ngày. Sau khi làm xong, đất phải nắm đựợc thành cục bỏ trong tay không bị vỡ ngay là được. Làm luống cao, mặt luống phải thật phẳng, sẻ rãnh rồi bón phân thật hoại hay bón trước mùa đông rồi mới trồng.

  1. Trồng cây và chăm sóc
    • Trồng cây

Khi đem củ đi trồng cần cắt bỏ phần thân củ, phân loại củ to, củ nhỏ, củ nhỡ để trồng theo từng lô riêng, để việc chăm sóc được đồng đều. Khi trồng, đặt củ giống vào rãnh, các hàng cách nhau khoảng 45cm, các củ cách nhau 30cm, lấp đất sâu vừa phải từ 4-5cm, nếu lấp sâu thì cây sẽ khó mọc. Khi hoa vươn cao cần tưới nước phân pha loãng ½-1/5 lần, rồi xới xáo vun cao cho cây khỏi đổ. Cây hoa loa kèn lá thường bị khô đầu lá do thiếu dinh dưỡng. Vì vậy, cần bổ sung dinh dưỡng qua lá hay rễ bằng cách phun lên lá một lượng lân và 1% ure. Trường hợp lá bị sọc vàng gân lá, ta xới thoáng gốc và phun Zinép-Basudin. Khi đến thời điểm thu hoạch mà gặp thời tiết nóng ẩm cũng hay có hiện tượng bị rỉ sắt lá, nên phòng chống bằng Shimel 1%. Khi cây hoa phát triển cao 10cm trở lên thì phun chế phẩm ra lá phát chồi, cứ 15 ngày phun l lần. Chế phẩm này giúp cho cây phát triển nhanh trong điều kiện không thuận lợi, chóng đạt độ cao cho phép hình thành. Tránh được hiện tượng ra hoa mà cây quá thấp, giá trị cành hoa sẽ không cao. Khi cây chuẩn bị ra hoa, có thể phun chế phẩm kích thích ra hoa để cây ra hoa nhiều và to.Từ đó, giá trị hoa thương phẩm sẽ được nâng cao hơn nữa.

  • Phân bón

Đối với phân cho loa kèn cần chú ý lượng phân bón cho loa kèn. Với lượng phân như sau:

* Bón lót

  • Phân ủ mục: 2m3/sào Bắc bộ bón lót toàn bộ trước khi trồng

– Lân: 5kg/sào Bắc bộ bón lót trước khi trồng

– Kali 5kg/sào bắc bộ dùng bón lót trước khi trồng

* Bón thúc

– Bón thúc: Sau trồng 3 tuần đầu không bón phân, để khi cây cao khoảng 25 – 30cm mới tiến hành bón. Trung bình 7-10 ngày/ 1 lần bón, mỗi lần 7-8kg phân hỗn hợp/1 sào Bắc Bộ (hỗn hợp phân gồm: phân NPK + đạm urê theo tỉ lệ 10:1).

– Ngoài ra, có thể sử dụng thêm nước phân hữu cơ tổng hợp đã được ngâm ủ để tưới bổ sung, có thể hòa tưới sau khi bón thúc phân vô cơ.

4.3.  Làm giàn giữ cây và điều tiết anh sáng

– Làm giàn giữ cây: Khi cây lên cao 30-40cm thì phải cắm cọc hai bên luống, làm giàn giăng bằng lưới cho cây khỏi bị đổ. Khi cây lớn dần thì được nâng lên theo độ cao của cây.

– Điều tiết ánh sáng: Nếu trồng vào vụ hè thì giai đoạn đầu cần phải che bớt ánh sáng đến khi cây bắt đầu phân hóa mầm hoa thì dỡ bỏ lưới đen. Nếu trồng vào vụ đông ở miền Bắc cần chiếu sáng bổ sung thêm 2h (17h-19h) bằng cách treo đèn 100W, mật độ 3m2 một đèn, chiều cao đèn cách cây 1m.

4.4.  Phòng trừ sâu bệnh:

– Các loại sâu hại chính là: rệp, sâu xanh, sâu khoang, sâu bộ cánh vảy… Khi bị sâu hại, dùng tay để bắt hoặc sử dụng thuốc Karate 2,5 EC, Supracide 40ND, Pegasus 500 SC, Supathion 40 EC… để phòng trừ;

– Các loại bệnh thường gặp là: đốm lá, phấn trắng, đốm nâu, đốm vòng, héo vi khuẩn… Có thể phòng trừ bằng thuốc Anvil 5 SC, Score 250 ND, Jilet, Boocdo, Topsin M-70 W, Roval WP, Streptomixin, …;

4.5.  Thu hoạch và bảo quản hoa:

Khi cây bắt đầu nhú hoa thì ngừng vun và xới xáo. Khi đến thời điểm thu hoạch nên cắt hoa vào lúc bông hé nứt đầu cánh, chừa lại phần gốc 20-15cm có cả lá để cây nuôi củ. Hoa cắt xong có thể cắm ngay vào nước hoặc có thể để trong tủ lạnh 10-18 độC trong vòng 15-18 giờ đồng hồ, để hạn chế hoa héo và nở sớm. Khi cắt chừa lại phần gốc 15-20 cm có cả lá để cây tiếp tục quang hợp nuôi củ khoảng 1 tháng.

Hoa sau khi thu hoạch cần đưa vào nhà mát để xử lý sơ bộ, sau đó ngâm vào dung dịch STS ( Silver thiosulphate) 0,1%, ngập sâu 8 – 10 cm chiều dài cành trong thời gian 10 phút

Phần củ thân còn lại tiếp tục chăm sóc, xới xáo cho đến tháng 4 rồi mới đào củ. Củ đào lên đem rũ đất rồi cho vào cát. Khi bảo quản củ, cần giữ nguyên cả thân tới vụ trồng sau. Tuy nhiên, củ loa kèn trắng nhiều nước, rất dễ bị thối, không nên để quá lâu trong đất. Khi bảo quản củ giống trong cát, cứ 15-20 ngày nên đảo lại một lần, loại bỏ củ nhỏ, củ thối dịch bệnh. Những củ thối cần vứt bỏ cả phần cát nơi bảo quản. Nên rút ngắn thời gian củ hoa kèn nằm trong đất và dùng dung dịch gibberellin từ 10 đến 15mg/l phun ướt đẫm hoặc ngâm củ hoa. Sau đó cho vào sọt và đem đi xử lý lạnh trong một thời gian nhất định.